Ngành Vật liệu xây dựng ngày càng giữ vị trí quan trọng

(Xây dựng) - Vật liệu xây dựng (VLXD) là một trong những lĩnh vực quan trọng của Ngành, được Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững. Nhân kỷ nhiệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam, đồng thời để hiểu rõ hơn những thành tựu, định hướng phát triển cũng như những đổi mới trong chính sách quản lý, phát triển VLXD, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng.

Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ VLXD

PV: Thưa ông, được biết trong thời gian qua ngành Xây dựng đã đánh dấu với những bước phát triển mới, vậy xin ông cho biết Vụ Vật liệu xây dựng đã có những cơ chế chính sách nào về quản lý vật liệu xây dựng nhất là vật liệu xây dựng không nung?

Ông Phạm Văn Bắc: Trong những năm qua Bộ Xây dựng tham mưu với Thủ tướng Chính phủ để ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về quản lý VLXD, đây là một hành lang pháp lý cao nhất của ngành VLXD trong lĩnh vực quản lý VLXD.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, xây dựng các đề án quy hoạch về phát triển VLXD bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch ngành Công nghiệp xi măng Việt Nam; quy hoạch ngành Gốm sứ đá ốp lát Việt Nam; quy hoạch phát triển công nghiệp vôi Việt Nam. Nhìn chung những quy hoạch này đều do Bộ Xây dựng tham mưu và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Đây được coi là cơ sở pháp lý để quản lý vấn đề đầu tư, sản xuất VLXD trong những năm qua.

Trong quá trình triển khai thực hiện những quy hoạch đó, Bộ Xây dựng cũng được Chính phủ giao ra soát, kiểm tra để có những giải pháp chuẩn chỉnh và quản lý. Đến nay, những quy hoạch đó đều thực hiện tương đối tốt.

Về VLXD không nung: Thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua Bộ Xây dựng đã triển khai chương trình VLXD không nung một cách đồng bộ từ việc tổ chức hội nghị triển khai đến xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức của VLXD không nung và cùng với các Bộ, ngành xây dựng các cơ chế chính sách để tăng cường phát triển VLXD không nung.

Để từng bước giảm bớt phát triển vật liệu nung, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan trình chính phủ Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường sử dụng VLXD không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng VLXD gạch, đất sét nung.

Trước đây Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD và bây giờ được sửa đổi là Thông tư 13/2017/TT-BXD về hướng dẫn sử dụng vật liệu xanh trong các công trình xây dựng. Bộ Xây dựng đã giao cho các đơn vị chức năng để hoàn thiện xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về VLXD không nung và định mức sử dụng VLXD không nung trong các công trình xây dựng.

Đến đầu năm 2018, cơ bản các tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức sử dụng về VLXD không nung đã được ban hành.

Đối với các Bộ, ban, ngành cũng đã ban hành các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc sử dụng VLXD trong các công trình xây dựng, cũng như hướng dẫn và khuyến khích việc đầu tư sản xuất VLXD không nung.

Cuối năm 2017, Bộ Xây dựng đã tham mưu với Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về VLXD, sau Hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo về việc đầu tư phát triển VLXD bền vững và đặc biệt là dừng đầu tư và đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất nung; triệt để xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến lò sử dụng nguyên liệu hóa thạch.

Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1696/QĐ-TTg năm 2014 và Quyết định 452/QĐ-TTg năm 2017 về việc tăng cường xử lý và sử dụng tro thạch cao là chất thải của các ngành Công nghiệp nhiệt điện, phân bón hóa chất làm nguyên liệu để sản xuất VLXD và sử dụng nó trong các công trình xây dựng.

Quyết định này rất có giá trị trong việc thúc đẩy sử dụng các chất thải của ngành Công nghiệp để giảm bớt ô nhiễm môi trường, đồng thời từ chất thải đó là nguồn nguyên liệu để sản xuất VLXD giảm bớt việc tiêu hao nguồn tài nguyên khoáng sản tự nhiên.

PV: Trên thị trường VLXD hiện nay của nước ta không chỉ có VLXD trong nước mà còn có VLXD nhập khẩu, vì vậy Vụ VLXD cũng như Bộ Xây dựng có những chính sách quản lý nào để quản lý? Và chính sách nào để tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài kinh doanh VLXD có cơ hội phát triển tại Việt Nam?

Ông Phạm Văn Bắc: Đối với các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam, hiện nay, việc đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc ngành Vật liệu xây dựng đều mở cửa hoàn toàn, có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất xi măng, kính, gạch ốp lát có thể theo hình thức liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với việc nhập khẩu hàng hóa VLXD để phục vụ nhu cầu trong nước là hoàn toàn điều tiết theo cơ chế thị trường cũng như là hiệp định của Việt Nam đã kí với các nước. Theo tôi được biết, tất cả các loại vật liệu đang lưu thông trong nước đều có thể nhập khẩu từ nước ngoài cũng như Việt Nam có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện tại, các sản phẩn VLXD có tiêu chuẩn, quy chuẩn, tức là khi đạt được tiêu chuẩn theo quy định đều được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ từng bước giảm bớt thủ tục kiểm tra chuyên ngành, sửa đổi Thông tư 09 ban hành quy chuẩn 16:2014/BXD; hiện nay là Thông tư số 10 ban hành quy chuẩn 16:2017/BXD đã giảm thủ tục hành chính cũng như thủ tục kiểm tra chuyên ngành của nhiều sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa được thuận lợi. Từ chỗ hơn 60 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và làm thủ tục hợp quy thì hiện nay chỉ còn 31 mặt hàng giảm hơn 50% số mặt hàng phải hợp quy. Việc nhập khẩu hàng hóa được tiến hành kiểm tra theo phương pháp hậu kiểm, việc này chứng tỏ công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý hàng hóa VLXD nhập khẩu cũng đã tạo ra một bước phát triển linh hoạt, cởi mở cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa VLXD từ nước ngoài vào Việt Nam để sản xuất, tiêu thụ.

PV: Vậy trước tình hình đó Bộ Xây dựng có cơ chế nào để giúp các doanh nghiệp Việt quảng bá sản phẩm của mình thưa ông?

Ông Phạm Văn Bắc: Các doanh nghiệp tự quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ giới thiệu sản phẩm, riêng đối với ngành VLXD Việt Nam có hội chợ Vietbuild – 1 năm tổ chức khoảng 6-8 lần tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… và một số tỉnh thành khác. Đây là một cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình, Bộ Xây dựng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hội chợ để quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình tới đông đảo công chúng. Trong quá trình quảng bá yêu cầu các doanh nghiệp phải thông tinh chính xác minh bạch các thông tin về sản phẩm của mình để cho người tiêu dùng biết và từ đó có sự lựa chọn hàng tiêu dùng trong nước hay nước ngoài. Đồng thời qua việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài cũng như thông tin về sản phẩm một cách đầy đủ để cho người dân biết, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn cho mình.

PV: Xin ông cho biết một vài thành tựu đáng tự hào của Vụ VLXD nói riêng và Bộ Xây dựng nói chung trong sự nghiệp phát triển ngành Xây dựng những năm gần đây?

Ông Phạm Văn Bắc: Trong những năm qua, ngành VLXD cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về vật liệu là Bộ Xây dựng cũng như Vụ VLXD đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách như: Nghị định, Thông tư, đề án, chỉ thị để tăng cường sản xuất phát triển ngành VLXD trong nước đạt được ở mức độ cao.

Tất cả các sản phẩm VLXD chủ yếu của Việt Nam trong những năm qua như: Lĩnh vực xi măng, kính, gạch gốm ốp lát, gốm sứ… được đầu tư bằng công nghệ tiên tiến, nhập khẩu từ các nước phát triển.

Công suất và sản lượng đều đạt được ở mức độ cao và sản xuất không những đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Ví dụ như ngành Xi măng trong những năm qua đã sản xuất và xuất khẩu với mức độ tương đối lớn tới khoảng 15 - 16 nước.

Đối với lĩnh vực gốm sứ sản xuất công suất đạt hơn 600 triệu m2 sản phẩm/năm, với công nghệ nhập từ các nước phát triển nhưu là Đức, Tây Ban Nha, Ý. Sản xuất gốm sứ xuất khẩu tới 20 - 30 nước trên thế giới

Đối với lĩnh vực kính hiện nay đã đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu trong nước. Đặc biệt có những nhà đầu tư sản xuất kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trong, siêu trắng, siêu mỏng để phục vụ các ngành công nghệ cao như công nghệ làm pin năng lượng mặt trời, công nghệ làm màn hình, cảm ứng. Đây là công nghệ tiên tiến mà ở nhiều nước Đông Nam Á còn chưa có.

PV: Vậy trước những thành tựu đó, Vụ VLXD cũng như Bộ Xây dựng đã có định hướng gì trong năm 2018, thưa ông?

Ông Phạm Văn Bắc: Trong thời gian tới, Vụ VLXD sẽ tham mưu với bộ tiến hành nghiên cứu và sửa Nghị định 24A – nghị định về quản lý VLXD cho phù hợp với Luật Quy hoạch mới được ban hành và sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2019.

Thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện luật quy hoạch.

Bộ Xây dựng cũng đang tham mưu và sửa Thông tư số 04 về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản; đang xây dựng thông tư hướng dẫn sử dụng tro xỉ, thạch cao… làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong công trình xây dựng.

Ngoài ra, năm 2018, Vụ cũng đang xây dựng và tham mưu với Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quy hoạch lớn: quy hoạch khoáng sản làm xi măng, quy hoạch khoáng sản làm VLXD chủ yếu và 3 đề án: Nghiên cứu phát triển VLXD phục vụ cho các công trình ven biển và hải đảo (trình cuối năm 2018); xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp từ năm 2023; phát triển VLXD theo hướng bền vững trong vòng 3 năm (2018 – 2020).

Xin chân thành cảm ơn ông!

Khánh Linh

Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/nganh-vat-lieu-xay-dung-ngay-cang-giu-vi-tri-quan-trong.html

Các tin khác

Liên kết

Giỏ hàng của tôi

Sản phẩm Giá Số lượng Tổng
Tiếp tục mua hàng
Thành tiền
Thanh toán