NGÀNH LOGISTICS

GIỚI THIỆU NGÀNH LOGISTICS

Logistics là gì?

Logistics thường được dịch là “hậu cần” nhưng cách gọi này không còn phù hợp trong xã hội hiện đại.  Diễn giải một cách đơn giản và đúng với thời cuộc thì logistics nghĩa là “lưu trữ, đóng gói và vận chuyển hàng hóa từ nơi này tới nơi khác”, tức là dịch vụ vận chuyển hàng một cách tối ưu từ nơi cung cấp/sản xuất đến tay người tiêu dùng. Từ khóa “vận tải” có thể tạm dùng để nói về lĩnh vực Logistics cho ngắn gọn dù vẫn chưa thực sự tóm gọn hết mọi hoạt động trong lĩnh vực này.

Ngành Logistics là ngành nghiên cứu, phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Logistics liên quan tới chuỗi các hoạt động bao gồm lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa, kiểm soát nguồn nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu hàng hóa càng đa dạng và tăng cao, ngành Logistics càng thể hiện được vai trò của mình, thu hút đông đảo người lựa chọn. Ngành này hiện đang được nhiều trường Đại học, Cao đẳng tổ chức giảng dạy chuyên sâu, mang đến nhiều hướng đi tương lai cho người theo học.

Tên ngành, nghề: Logistics

Mã ngành, nghề: 6340113

Trình độ đào tạo: Cao đẳng

Hình thức đào tạo: Chính qui

Loại hình đào tạo: Tập trung

Đối tượng tuyển sinh: Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương

Thời gian đào tạo: 2,5 năm

1. Mục tiêu đào tạo

1.1. Mục tiêu chung:

Đào tạo sinh viên trình độ Cao đẳng Logistics có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp và sức khỏe tốt. Nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý, xã hội và nhân văn; Có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực Logistics; Có năng lực phân tích, đánh giá, thiết kế, triển khai và cải tiến hiệu quả hệ thống logistics doanh nghiệp. Trên cơ sở kiến thức và kỹ năng được trang bị, sinh viên có khả năng hoạt động độc lập, có năng lực tự nghiên cứu bổ sung kiến thức theo yêu cầu công việc, có phong cách làm việc chuyên nghiệp, đảm bảo hoạt động một cách có hiệu quả trong lĩnh vực chuyên môn đào tạo. Đồng thời có khả năng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ ở cấp học cao hơn.

Sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ làm việc tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoặc tự thành lập doanh nghiệp để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu 1: Hình thành nền tảng vững chắc về kiến thức chính trị, pháp luật, an ninh - quốc phòng, tin học, ngoại ngữ và kiến thức cơ sở ngành.

Mục tiêu 2: Thành thạo các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự học, kỹ năng giải quyết vấn đề, các kỹ năng thực hành nghề nghiệp trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của vị trí công việc.

Mục tiêu 3: Nắm vững và vận dụng được kiến thức chuyên môn về Logistics; Nghiệp vụ ngoại thương; Nghiệp vụ kho hàng và phân phối hàng hóa; Điều hành hoạt động vận tải hàng hóa và dịch vụ khách hàng.

Mục tiêu 4: Vận dụng tốt kiến thức bổ trợ ngành cho việc xác định, phân tích, đánh giá các thông tin liên quan đến hoạt động logistics của doanh nghiệp.

Mục tiêu 5: Yêu nghề, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp.

1.2.1. Yêu cầu về kiến thức: (Chuẩn đầu ra)

Trên cơ sở yêu cầu tối thiểu về kiến thức mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp, chương trình đào tạo ngành Logistics cụ thể hóa thành các chuẩn đầu ra gồm thành 2 phần

1.2.1.1. Kiến thức chung:

+ CĐR1: Nhận thức được những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật của Nhà nước và công tác An ninh - Quốc phòng.

+ CĐR2: Hiểu được các kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, tự nhiên, nhân văn, văn hóa, tâm lý làm nền tảng để học tập các môn cơ sở ngành và chuyên ngành.

+ CĐR3: Có khả năng tin học và ngoại ngữ (tiếng Anh) căn bản để học tập và làm việc trong môi trường số hóa, môi trường đa văn hóa.

1.2.1.2. Kiến thức chuyên môn:

+ CĐR4: Áp dụng kiến thức quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động logistics; các chính sách, quy định, quy tắc về logistics trong nước, quốc tế để giải quyết các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp.

+ CĐR5: Thiết kế quy trình và cách thức thực hiện công việc trong hành chính, kinh doanh logistics, vận tải, giao nhận, xếp dỡ hàng hóa tổng hợp, vận hành kho, giám sát kho; sử dụng hiệu quả trang thiết bị, cơ sở vật chất trong logistics.

+ CĐR6: Áp dụng kiến thức chuyên môn về dịch vụ logistics để dự báo, lập kế hoạch, vận hành các hoạt động liên quan đến vận tải đa phương thức, logistics; Ứng dụng được các phần mềm chuyên ngành logistics.

1.2.2. Yêu cầu về kỹ năng:

1.2.2.1. Kỹ năng chung:

+ CĐR7: Thể hiện được kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng giao tiếp, bao gồm: Giao tiếp cộng đồng, truyền đạt thông tin; soạn thảo văn bản, diễn thuyết, ứng xử; Có kỹ năng tự học; Kỹ năng tự tìm kiếm thông tin về việc làm, chuẩn bị hồ sơ xin việc và trả lời phỏng vấn nhà tuyển dụng.

+ CĐR8: Thể hiện được kỹ năng thương lượng, đàm phán, giải quyết vấn đề; tạo lập mối quan hệ tốt với các cá nhân, đơn vị hữu quan.

1.2.2.2. Kỹ năng chuyên môn:

+ CĐR9: Thực hiện chính xác các nghiệp vụ logistics, nghiệp vụ thanh toán quốc tế (giao nhận vận tải: khai báo hải quan, tham gia soạn thảo hợp đồng, nghiệp vụ kho hàng…).

+ CĐR10: Điều phối các dịch vụ trong lĩnh vực Logistics; Thực hiện chính xác các quy trình trong hành chính logistics, giao nhận, xếp dỡ hàng hóa tổng hợp, vận hành kho, giám sát kho.

+ CĐR11: Sử dụng được các phần mềm phục vụ cho công việc hành chính logistics, giao nhận, xếp dỡ hàng hóa tổng hợp, vận hành kho, giám sát kho.                  

1.2.2.3. Về năng lực ngoại ngữ:

+ CĐR12: Có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh; có khả năng đọc hiểu các tài liệu chuyên ngành. Đạt bậc 2/6 theo quy định tại thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

1.2.2.4. Về năng lực tin học:

+ CĐR13: Sử dụng được các phần mềm văn phòng, internet, một số phần mềm chuyên ngành logistics.

1.2.3Năng lực tự chủ và trách nhiệm:

+ CĐR14: Có ý thức kỷ luật và tác phong chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm trong công việc, chấp hành sự phân công của tổ chức; Khiêm tốn, ham học hỏi, tôn trọng mọi người; Sống hòa đồng với tập thể, có tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp và giữ gìn đoàn kết trong tổ chức.

+ CĐR15: Yêu nghề, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và các quy định của nơi làm việc; tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; có ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

1.3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp vận tải, sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, trung tâm logistics – dịch vụ logistics, cảng biển, sân bay, hãng tàu, kho hàng, trung tâm phân phối,…

Tự tạo lập doanh nghiệp hoặc tự tìm kiếm cơ hội kinh doanh riêng cho bản thân.

♦ Vị trí làm việc:

Sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics ra trường sẽ đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Vị trí cụ thể gồm:

- Chuyên viên kinh doanh Logistics;

- Chuyên viên chứng từ;

- Chuyên viên điều phối, khai thác, vận hành kho bãi, vận tải;

- Chuyên viên khai báo hải quan;

- Chuyên viên thu mua, cung ứng vật tư;

- Chuyên viên chăm sóc khách hàng.

2. Khối lượng kiến thức và thời gian khóa học:

- Số lượng học phần, mô đun: 36

- Khối lượng kiến thức toàn khóa học: 85 Tín chỉ (1920 giờ)

- Khối lượng các học phần chung/đại cương: 21 Tín chỉ (435 giờ)

- Khối lượng các học phần, mô đun chuyên môn: 64 Tín chỉ (1485 giờ)

- Khối lượng lý thuyết: 670 giờ; Thực hành, thực tập, thí nghiệm, kiểm tra: 1250 giờ

3. Nội dung chương trình:

4. Kế hoạch giảng dạy:

5. Hướng dẫn sử dụng chương trình:

5.1. Các học phần chung bắt buộc áp dụng theo thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành:

Thông tư 24/2018/TT-BLĐTBXH, Thông tư 10/2018/TT-BLĐTBXH, Thông tư 11/2018/TT-BLĐTTBXH, Thông tư 12/2018/TT-BLĐT, Thông tư 13/2018/TT-BLĐTBXH, Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định ban hành chương trình môn học: Giáo dục chính trị, Giáo dục quốc phòng, Tin học, Giáo dục thể chất, Pháp luật, Tiếng anh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trung cấp, trình độ cao đẳng.

5.2. Hướng dẫn xác định nội dung và thời gian cho các hoạt động ngoại khóa:

- Nhằm mục đích giáo dục toàn diện, để sinh viên có được nhận thức đầy đủ về nghề nghiệp đang theo học, trường có thể bố trí tham quan, học tập, dã ngoại, thực tập thực tế tại các doanh nghiệp mà nhà trường có ký kết hợp tác.

- Thời gian cho hoạt động ngoại khóa được bố trí ngoài thời gian đào tạo chính khóa vào thời điểm thích hợp.

5.3. Hướng dẫn tổ chức kiểm tra, thi kết thúc học phần:

Thời gian tổ chức kiểm tra hết học phần được xác định và có hướng dẫn cụ thể theo từng môn học trong chương trình đào tạo được áp dụng theo Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 03 năm 2022 về việc ban hành Quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp của Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh & Xã hội và Quyết định số 704/QĐ-CĐXD ngày 07 tháng 09 năm 2022 của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy chế học vụ đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo phương thức tín chỉ.

5.4. Hướng dẫn xét công nhận tốt nghiệp:

- Người học phải học hết chương trình đào tạo trình độ cao đẳng và phải tích lũy đủ số tín chỉ (85 tín chỉ) theo quy định trong chương trình đào tạo.

- Người học phải đạt trình độ Tiếng Anh căn bản đạt trình độ bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam và Tin học theo quy định hiện hành của Trường Cao đẳng Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh.

- Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào kết quả tích lũy và trình độ Tiếng Anh của người học để quyết định việc công nhận tốt nghiệp ngay cho người học.

- Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào kết quả xét công nhận tốt nghiệp để cấp bằng tốt nghiệp và công nhận danh hiệu Cử nhân thực hành theo quy chế hiện hành.

5.5. Các chú ý khác:

Có thể lựa chọn các học phần trong chương trình khung này để xây dựng chương trình đào tạo Trung cấp tùy theo nhu cầu của người học và phải đảm bảo tính liên thông khi người học có nhu cầu học lên Cao đẳng./.

6. Sơ đồ logic phân bổ học phần, chương trình môn học kèm theo.

 

 

 

--------------------------------------------------------------------------------------------

TRƯỜNG CAO ĐẲNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Địa chỉ: 190 Võ Văn Ngân, P. Bình Thọ, TP. Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
ĐT: 02838960087 - 0981 800 636

Website: www.hcmcc.edu.vn – https://tuyensinh.hcmcc.edu.vn/

 

 

Liên kết

Giỏ hàng của tôi

Sản phẩm Giá Số lượng Tổng
Tiếp tục mua hàng
Thành tiền
Thanh toán